Lễ hội chùa Hương, lễ hội bà Chúa Kho, lễ khai ấn đền Trần, hội Lim... là những lễ hội mùa xuân truyền thống nổi tiếng của các vùng trên cả nước mà bạn không thể bỏ qua dịp xuân về.
Lễ hội chùa Hương
Khai hội vào ngày 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch, lễ hội chùa Hương ở Hà Nội là lễ hội kéo dài nhất cả nước với số người tham gia cả mùa có khi lên đến hơn 1,5 triệu khách.
Không chỉ được tham gia vào hành trình về cõi Phật, cùng các hoạt động văn hóa đặc sắc, du khách khi đến với lễ hội còn được đắm mình trong không gian của non nước mênh mông của suối Yến, hay chiêm ngưỡng cảnh sắc hùng vĩ của động Hương Tích...
Lễ hội Yên Tử – Quảng Ninh (Từ mùng 10 tháng giêng)
Lễ hội Yên Tử – Quảng Ninh
Lễ hội Yên Tử diễn ra vào thời gian nào?
Hàng năm cứ vào ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch) người dân lại nô nức về Quảng Ninh để trẩy hội Yên Tử. Chùa ở độ cao 1.068m so với mực nước biển, Yên Tử không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp, tháp cổ, chùa mà còn là nơi hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Để leo lên núi Yên Tử du khách có thể đi bằng đường bộ hoặc cáp treo, kinh nghiệm du lịch Yên Tử mùa lễ hội cho biết các bạn không nên bỏ qua những địa điểm như: Chùa Đồng, chùa Hoa Yên, chùa một mái, suối Giải Oan, chùa Giải Oan…
Khai ấn Đền Trần
Lễ hội ở đền Trần, Nam Định được xem là một trong những lễ hội mùa Xuân lớn nhất cả nước. Đa số du khách đến đây hành lễ đều mong muốn xin hoặc mua được một tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp.
Lễ hội khai ấn Đền Trần năm nay sẽ được tổ chức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng Âm lịch với tâm điểm là Lễ khai ấn vào đêm 14 tháng Giêng và tiến hành phát ấn trong 6 ngày.
Ngoài lễ phát ấn, lễ hội còn tổ chức xen kẽ các hoạt động hội truyền thống gồm múa lân, múa rồng, hát chèo, hát chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật, biểu diễn võ thuật bên ngoài cổng Ngũ môn Đền Trần... để phục vụ khách tham quan.
Lễ hội Bà Chúa Kho
Năm nay lễ hội Bà Chúa Kho sẽ chính thức khai hội vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch. Mặc dù vậy nhưng từ đầu năm đến nay, mỗi ngày, khu đền Bà Chúa Kho (tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh) luôn chật kín người.
Đến hành lễ "vay vốn" đền Bà Chúa Kho đa số là người làm ăn, với mong muốn cầu cho công việc trong năm mới được suôn sẻ, phát đạt. Để lời cầu xin được "đến tai" Bà, mỗi thân chủ phải ghi rõ trong sớ là vay bao nhiêu, làm gì, và đặc biệt là phải nói rõ một năm, hai năm, hay năm năm sau sẽ trả, tức là tạ lễ.
Hội Lim
Hội Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương. Đây cũng là lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc với khá nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh.
Trong ngày lễ còn có nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian như hát quan họ, giao lưu đối đáp, đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm, thi cờ người. Năm nay, hội Lim sẽ được tổ chức trong 2 ngày 2,3/3/2015, tức ngày 12 và 13 tháng Giêng Âm lịch.
Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 5 đến 10/3 Âm lịch hàng năm)
Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng không nên bỏ qua, được tổ chức kéo dài 6 ngày từ ngày mùng 5 đến ngày 10/3 âm lịch. Lễ hội là dịp tưởng nhớ lòng biết ơn công lao to lớn của các vua Hùng đã có công dựng nước. Nghi lễ bao gồm hai phần chính là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Bên cạnh đó, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như hát xoan, thi đấu vật, thi bơi, thi kéo co…
Ngoài ra, các bạn có thể ghé thăm một số lễ hội độc đáo ở miền Bắc khác như: Lễ hội chợ Viềng, Nam Định (Từ ngày 7 – 8 Tết), lễ hội Chùa Thầy – Hà Nội (diễn ra từ ngày 5-7 tháng 3 Âm lịch), lễ hội chùa Keo (Thái Bình), lễ hội Đền Gióng (Sóc Sơn)…
Lễ hội núi Bà Đen
Khai mạc vào mùng 4 Tết, lễ hội núi Bà Đen ở Tây Ninh là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất phía Nam. Bên cạnh các hoạt động tín ngưỡng, khách còn có thể tham gia theo dõi các chương trình chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể dục thể thao, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa...
Lễ hội Bà Chúa Xứ – An Giang
Lễ hội Bà Chúa Xứ – An Giang
Lễ hội Bà Chúa Xứ là một trong những lễ hội lớn nhất miền Tây Nam Bộ, được tổ chức hàng năm bắt đầu từ đêm 23/4 đến 27/4 âm lịch tại Miếu Bà Chúa Xứ thuộc phường Núi Sam (trước là xã Vĩnh Tế), thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang. Đây là dịp để tỏ lòng thành kính và biết ơn Bà Chúa Xứ, vị thần được suy tôn là bà mẹ của xứ sở Châu Đốc.
Lễ hội Bà Chúa Xứ bao gồm năm lễ: Lễ tắm Bà, Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà, Lễ Túc Yết, Lễ xây chầu, Lễ Chánh tế. Bên cạnh các nghi lễ còn có những hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian cũng được biểu diễn như múa mâm thao, múa đĩa chén, múa lân…
Tổng hợp nguồn Internet